Chiều Chiều là con sông dài, qua bao nhiêu ghềnh thác vẫn tiếp tục xuôi dòng hồi ức 80 năm của Tô Hoài, mà vẫn chưa hò hẹn ngày xuống đồng bằng hay đổ ra biển cả.
Vậy Chiều Chiều đã mang lại cho người đọc những cảm thụ gì mới? So với những tự truyện trước, Chiều Chiều nặng phần phê phán thời đại mà tác giả đã trải qua; ở các tác phẩm trước, Tô Hoài thường bao che, bào chữa, như là một hồi ký bao cấp.
Đến Chiều Chiều, giọng kể nghiêm nghị hơn về đời sống chính trị và văn nghệ ngột ngạt những năm 1955-1970, về những sai lầm trong chính sách Cải cách ruộng đất, về những đợt học tập chiếu lệ ở trường Đảng cao cấp là trường Nguyễn Ái Quốc, về đời sống Hà Nội từ những ngày tiếp thu qua những đợt sơ tán, đặc biệt là những ngày nhà văn Tô Hoài, trưởng khu phố (1965-1972) phải đi mai phục “bắt gái điếm”, và “những người giặt xi líp thuê cho gái điếm”, “bắt những anh Hà Nội, buổi trưa thuê phòng chơi gái”, hay cảnh diệt chuột, bắt mê tín, thậm chí cả việc “trông nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của thành phố”.
Hà Nội thanh lịch của Tô Hoài trong các hồi ký trước, đến Chiều Chiều bỗng sực mùi bẩn thỉu, hôi hám suốt mười trang rất hiện thực mà lần đầu tiên, Tô Hoài đã dành cho “việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ”. Ngôn ngữ này sẽ làm ngạc nhiên nhiều độc giả vì lạ lẫm ở hành văn Tô Hoài, một tác giả duy mỹ, có cả một chủ trương về chữ nghĩa, mà từ 1959 anh đã gọi là “chủ nghĩa tiếng nói”.