Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn

Đã hơn 100 năm qua, kể từ sau cuốn Trống đồng cổ ở ĐNA của học giả Áo Franz Heger ( 1902), người phân loại các trống đồng cổ ở ĐNA thành 4 loại Heger I, Heger II, Heger III, Heger IV, vấn đề nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, tức trống đồng loại Heger I luôn là một chủ đề khoa học lớn, khó, từng gây nhiều tranh cãi và chưa được giải quyết.

Thực chất, chủ đề đó gồm 3 vấn đề có liên hệ với nhau: 1-Quê hương của trống đồng và tộc người sáng tạo ra nó.2-Nguyên mẫu của dạng trống đồng cổ nhất.3-Sự lan tỏa và phát triển của nó trong không gian và thời gian.

Riêng về vấn đề quê hương trống đồng, hiện có ba quan điểm cùng song song tồn tại. Quan điểm thứ nhất coi quê hương trống đồng là Vân Nam, Trung Quốc. Quan điểm thứ hai coi đó là vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Việt Nam. Quan điểm thứ ba coi đó là là một vùng rộng bao gồm cả Vân Nam, Quảng Tây ở Nam Trung Quốc và vùng Bắc Bộ Việt Nam.

Bằng một cách tiếp cận mới, với nhiều bằng chứng dân tộc học, khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học mới, tác giả, nhà nhân học Tạ Đức, chứng minh rõ ràng và cụ thể quan điểm thứ hai, rằng An Dương Vương, vua nước Âu Lạc ( 207-179 TCN) là người duy nhất có đủ điều kiện cho đúc và phân phát trống đồng như một biểu tượng cho vương quyền và thần quyền Bách Việt; Cao Lỗ, vị tướng tài danh nhất của nước Âu Lạc là người lo việc đúc trống đồng, từ đó trở thành Thần Trống đồng và vị Tổ sư của nghề rèn ở Việt Nam; thành Cổ Loa chính là quê hương đích thực của trống đồng Đông Sơn, đúng ra phải gọi là trống đồng Âu Lạc.

Cuốn sách, với 33 Chương, 668 trang, cũng sẽ đưa ra những câu trả lời rõ ràng, cụ thể hơn cho các câu hỏi: An Dương Vương là ai, từ đâu đến? Các nguyên mẫu của trống đồng là gì? Nỏ thần Cao Lỗ có cấu tạo thế nào? Bản chất của các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn ra sao? Vì sao vùng Thanh –Nghệ lại là nơi có nhiều di chỉ Đông Sơn, nhiều trống đồng Đông Sơn và nhiều trống H II hay “trống Mường” nhất?. Vì sao trong các nước láng giềng với Việt Nam ở Đông Nam Á, Indonesia là nơi tìm được nhiều trống đồng Đông Sơn to và đẹp nhất v.v.

Việc tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng cùng văn hóa Đông Sơn cũng mở ra một cửa sổ nhìn vào lịch sử các tộc người, các tín ngưỡng dân gian, các văn hóa cổ truyền ở Đông Á , Việt Nam và Đông Nam Á.

1 đánh giá cho Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn

Đức – 26/02/2017

Cuốn sách cung cấp nhiều kiến thức mới và đa dạng về các quan điểm, kết quả nghiên cứu mới nhất của học giả thế giới về nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn. Một cuốn sách đáng cho vào tủ sách của mỗi gia đình Việt Nam và những ai quan tâm tới nguồn gốc trống đồng Đông Sơn.

Hang Cáo