NOAM CHOMSKY – NHẬN DIỆN QUYỀN LỰC & THAM VỌNG BÁ QUYỀN

Noam Chomsky, giáo sư giảng dạy tại MIT, là một trong các trí thức cánh tả hàng đấu nước Mỹ với tư duy tích hợp đáng kinh ngạc. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Profit over People” (Kiếm lời trên đầu người dân, 2000), “War against People” (Cuộc chiến chống lại dân chúng, 2001), “Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance” (Bá quyền hay sống sót: Mỹ tìm kiếm sự bá quyền 2003), “Imperial Ambitions: Conversations on the Post-9/11 World” (Tham vọng bá quyền: Hội thoại về tình hình thế giới sau sự kiện 11/9, Nhà xuất bản Tri thức, 2005), “Failed States: The Abuse of Power and the Assault on Democracy” (Những nhà nước thất bại: Lạm dụng quyền lực và tấn công nền dân chủ, 2006), “Interventions” (Can thiệp, 2007), “Gaza in Crises: Reflections on Israel’s War Against the Palestinians” (Các cuộc khủng hoảng trên dải Gaza: suy nghĩ về cuộc chiến tranh của Israel chống Palestine, 2010)… Trong đó phải kể đến hai tác phẩm “Nhận diện quyền lực” và “Tham vọng bá quyền” đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam bởi Nhà xuất bản Tri Thức.

“Nhận diện quyền lực” là tác phẩm mà trong đó Noam Chomsky phơi bày toàn bộ những bóng đen u tối của một xã hội loài người với chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh và vũ khí giết người hàng loạt, còn nhiều thách thức toàn cầu khác, từ các vấn nạn môi trường đến các mô hình phát triển. Như một bác sĩ phẫu thuật, Chomsky phơi bày hết các ung nhọt của xã hội, để chúng ta chứng kiến và cùng tìm giải pháp.

“Tham vọng bá quyền” là một tác phẩm chứa đầy ắp những thông tin, lập luận khúc chiết của hai trí thức Mỹ trao đổi về âm mưu bá quyền quốc gia tham vọng này. Đặc biệt trong cuốn sách, vấn đề chiến tranh Mỹ và Việt Nam được đề cập đến một cách trực diện và đa chiều. Dịch giả Trịnh Lữ đã nói về tác phẩm như sau: “Cuốn sách này cũng khiến ta hiểu ra rằng muốn có dân chủ thực sự, nền giáo dục và cơ chế chính trị của một quốc gia phải có ý thức và mục đích đào luyện nên những trí thức và công dân có tư tưởng tự do và độc lập, có trách nhiệm, can đảm, và khả năng cải biến xã hội, chứ không phải chỉ để sản xuất ra một hàng ngũ “tay sai đắc lực” cho thế lực bá quyền thống trị hoặc một lực lượng lao động mù quáng chỉ có kĩ năng tinh xảo và mong muốn đáp ứng có hiệu quả nhu cầu ốc vít tay quay trong bộ máy làm tiền khổng lồ của xã hội toàn cầu hóa hiện đại.”

Hang Cáo